Nếu quyền sở chỉ còn 50 năm thì chung cư lại càng “mất giá”. Nhiều người cho rằng, giới hạn thời gian sở hữu chung cư so với quy định sở hữu lâu dài như hiện nay, người mua chẳng khác nào đi thuê nhà dài hạn.
Thà đi thuê còn hơn
Trong đề cương Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được Bộ Xây dựng trình thẩm định, lấy ý kiến có đưa ra phương án chung cư sở hữu có thời hạn theo thời hạn sử dụng của công trình. Theo đề xuất này, giấy chứng nhận cấp cho khách hàng mua Căn hộ chung cư sẽ có thời hạn 50-70 năm thay vì được sở hữu, sử dụng lâu dài như hiện nay.
Một số ý kiến đồng tình cho rằng, đề xuất giới hạn quyền sở hữu chung cư là hợp lý, nhiều nước trên thế giới cũng đã áp dụng. Đề xuất này giúp giải quyết tình trạng chung cư hết hạn sử dụng, xuống cấp nhưng không thể cải tạo, xây mới như hiện nay. Ngoài ra, nó cũng giúp cho giá Căn hộ chung cư giảm xuống.
Tuy nhiên, phần đông ý kiến lại không đồng tình với đề xuất trên. Anh Quyền, cư dân tại một chung cư ở TP. Thủ Đức cho biết, nếu thời hạn sở hữu chung cư 50 năm thì nhiều người sẽ lựa chọn đi thuê thay vì mua chung cư. Bởi nếu mua thì cũng chẳng khác nào đi thuê nhà dài hạn.
Theo anh Quyền, nên áp dụng như hiện nay, nghĩa là khi chung cư hết niên hạn sử dụng sẽ kiểm định nếu chất lượng vẫn còn tốt thì gia hạn thêm, ngược lại nếu xuống cấp không đạt chất lượng quy định an toàn của Nhà nước sẽ được yêu cầu xây mới để tái định cư tại chỗ hoặc tái định cư nơi khác.
Trường hợp này người dân vẫn có quyền lợi, ngược lại nếu các căn hộ sở hữu 50 năm thì người mua sẽ không được hưởng lợi ích, bồi thường giải tỏa.
Chị Hạnh (ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ, đề xuất giới hạn quyền sở hữu chung cư mới sẽ rất khó thuyết phục được người dân. Bởi tâm lý của người Việt Nam muốn sở hữu lâu dài và xem đó như tài sản tích luỹ cho con cháu sau này. Những người có điều kiện kinh tế thì không sao nhưng với nhiều người Căn hộ chung cư là thành quả tích cóp cả đời người. “Nếu hết thời gian 50 năm, họ không mua nổi nhà với mức giá ở thời điểm đó thì phải làm sao”, chị Hạnh nói.
Đang có ý định mua nhà chung cư nhưng chị Tú (TP. Thủ Đức) cho biết sẽ bỏ luôn ý định nếu quy định thời hạn sở hữu chung cư chỉ còn 50 năm.
Đảm bảo quyền lợi của người mua
Anh Quý, giám đốc một công ty bất động sản ở Thủ Đức cho rằng, đề xuất giới hạn quyền sở hữu chung cư còn 50 – 70 năm là khó khả thi. Thứ nhất, tâm lý người Việt Nam khi bỏ tiền mua thì muốn được sở hữu lâu dài. Đó không chỉ là tài sản của riêng họ mà còn là tích luỹ truyền lại cho con cháu. Ở các nước phương Tây, họ không nặng quan niệm an cư lạc nghiệp nên việc đi thuê rất thịnh hành. Ngược lại, ở Việt Nam tâm lý này đã ăn sâu vào tư tưởng người dân. Căn nhà là thành quả của lao động, là niềm tự hào của biết bao người. Do đó, nhiều người dù rất khó khăn cũng cố gắng vay mượn ngân hàng, người thân, bạn bề để sở hữu cho mình căn hộ ở thành phố.
Thực tế hiện nay, nhiều dự án chung cư ở TP.HCM áp dụng hình thức thuê mua có thời hạn được ghi trong hợp đồng. Những dự án này thường có giá bán rẻ hơn nhiều so với các căn hộ sở hữu lâu dài.
“Nhưng nó phù hợp với những người thích đi ở thuê, hay dịch chuyển chỗ làm. Còn phần lớn những người lập nghiệp gắn bó với thành phố đều mong muốn mua căn nhà ổn định, được sở hữu lâu dài”, anh Quý nói.
Theo anh Quý, nếu giới hạn thời gian sở hữu chung cư xuống còn 50 năm thì người mua sẽ không còn mặn mà với phân khúc này. Qua đó, nó cũng tác động đẩy giá Nhà phố, đất nền vốn đang cao chót vót lại càng tăng thêm.
Mặt khác, xu hướng ở chung cư là tất yếu tại các đô thị hiện đại, nơi quỹ đất không còn nhiều. Do đó, đề xuất này cần tính toán kĩ lưỡng để không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân cũng như thành lực cản quá trình phát triển tại các đô thị.
Trong một hội nghị mới đây, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, trên thế giới nhiều nước đã quy định nội dung này. Có nước quy định thời gian sở hữu 40 năm, có nước 70 năm, có nước 100 năm.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư đang có nhiều ý kiến khác nhau. Vấn đề này cũng liên quan đến Luật đất đai có quy định thời hạn sử dụng đất cho nhà chung cư không. “Đây là những nội dung còn phải được nghiên cứu”, ông Khởi nói.