Trên sàn chứng khoán đang có phong trào nhà đầu tư đi "săm soi" báo cáo tài chính quý III/2021 tìm doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất sạch lớn để gom hàng.
Ưu thế đang thuộc về các chủ đầu tư có sẵn hàng để bán cũng như sẵn quỹ đất sạch. Ảnh: Dũng Minh
Tích cực M&A
Sau một thời gian dài tích lũy, nhiều chủ đầu tư đã có được lượng quỹ đất đủ lớn cho chặng đường phát triển trước mắt và khi việc cấp phép dự án mới được làm chặt ở hầu khắp các địa phương trên cả nước, doanh nghiệp nắm trong tay quỹ đất được ví như đang cầm vàng trong tay.
Vingroup, một nhà tạo lập thị trường quen thuộc nhiều năm qua tiếp tục khẳng định vị thế khi đầu năm 2021 đã hoàn tất việc mua lại dự án Khu đô thị Đại An tại Hưng Yên, giá trị thương vụ ước tính khoảng 3.100 tỷ đồng - tương đương 134 triệu USD (theo Báo cáo thường niên Vinhomes 2020). Dự án có tổng quy mô lên đến 486 ha, nằm trong kế hoạch phát triển chuỗi dự án đại đô thị được Vingroup thực hiện những năm gần đây, sau Vinhomes Grand City (TP.HCM), Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City (Hà Nội).
Cũng nằm trong những cái tên gây chú ý, Nam Long Group công bố mua xong 65,1% cổ phần dự án Thành phố Izumi quy mô 170 ha tại tỉnh Đồng Nai từ Keppel Land, số cổ phần còn lại 34,9% do đối tác Hankyu Hanshin Properties đến từ Nhật Bản nắm giữ, trong đó Nam Long có 65,1% cổ phần và Hankyu Hanshin 34,9% cổ phần. Dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 18.600 tỷ đồng (tương đương 803,5 triệu USD).
Ngoài ra, một số thương vụ M&A nổi bật khác có thể kể tới trong thời gian qua như Novaland hoàn tất việc mua 65% vốn tại CTCP Du lịch Sài Gòn - Bình Châu thông qua một công ty liên quan, qua đó bổ sung thêm khu du lịch 30 ha này vào tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng - giải trí NovaWorld Ho Tram.
Tập đoàn Danh Khôi mua lại tòa tháp ven sông tại Đà Nẵng diện tích khoảng 0,3 ha từ Công ty TNHH Đầu tư Sun Frontier. Trước đó, Danh Khôi đã thâu tóm hơn 11.000 m2 đất tại Khu dân cư Cồn Tân Lập tại Nha Trang từ CTCP Sông Đà Nha Trang.
Trước đó, trong giai đoạn 2019-2020, CTCP Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia đã mạnh tay thâu tóm 41 ha đất tại 4 dự án và hiện tiếp tục đàm phán mua thêm 45 ha đất tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương.
Dọn đường tăng trưởng
Trao đổi với phóng viên, đại diện nhiều doanh nghiệp bất động sản cho biết, từ năm 2019 đến nay, khi việc cấp phép dự án mới được kiểm soát chặt chẽ hơn ở các địa phương trên cả nước, giải pháp tạo lập quỹ đất hiệu quả được nhiều chủ đầu tư thực hiện là thông qua các thương vụ M&A hoặc tham gia mua đất đấu giá và chiến lược tạo lập phân hóa khá rõ nét: Trong khi nhiều chủ đầu tư lớn thực hiện các thương vụ mua bán, chuyển nhượng dự án quy mô từ vài chục đến vài trăm héc-ta thì các chủ đầu tư tầm trung và nhỏ tập trung săn quỹ đất nhỏ lẻ tại các tỉnh.
Đơn cử, Tập đoàn Hải Phát tích cực tham gia các dự án đấu giá và theo đại diện Hải Phát, tập đoàn này đã có được không ít quỹ đất ở các tỉnh Cao Bằng, Quảng Trị, Bình Thuận…
Tương tự, đại diện CTCP Đầu tư kinh doanh An Phú Hưng cho biết, doanh nghiệp này cũng chủ yếu nhắm đến các dự án đấu giá quy mô vừa và nhỏ, thích hợp phát triển các dự án đô thị quy mô một vài héc-ta tại khu vực vùng ven Hà Nội.
Đánh giá câu chuyện tạo lập quỹ đất ngay trong giai đoạn diễn ra dịch bệnh, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sohovietnam cho rằng, quỹ đất thực sự có tiềm năng ở các tỉnh lẻ không còn nhiều, trong khi các doanh nghiệp đang rất “khát đất”, nên lúc này là thời điểm thích hợp để các địa phương tổ chức đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, tạo nguồn thu phát triển kinh tế địa phương.
Chia sẻ về chiến lược M&A dự án, ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Novaland cho biết, Tập đoàn sẽ tiếp tục tập trung tìm kiếm và M&A các dự án có vị trí đẹp, quy mô lớn tại những địa phương có tiềm năng về du lịch.
“Với Novaland, các thương vụ M&A sẽ là công cụ giúp Tập đoàn nhanh chóng hoàn thành mục tiêu mở rộng quỹ đất, phát triển các dự án, trong đó tiêu chí hướng đến là các dự án có vị trí chiến lược, pháp lý hoàn chỉnh và phù hợp với định hướng phát triển của Tập đoàn…”, ông Huy nói.
Giá cổ phiếu tăng phản ánh kỳ vọng tích cực
Quý cuối năm được xem là giai đoạn nước rút với các doanh nghiệp bất động sản niêm yết và dù nhiều đơn vị chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2021, song những thông tin tích cực về tạo lập quỹ đất, phát triển dự án cũng như kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ sau giãn cách đã phản ánh vào thị giá cổ phiếu doanh nghiệp địa ốc trên sàn chứng khoán, giúp nhiều mã có được mức tăng tốt.
Đơn cử, cổ phiếu NLG của Nam Long Group ghi nhận mức tăng ấn tượng từ đầu năm đến nay, khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/10/2021 ở mức giá 54.200 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 82% so với mức giá 29.750 đồng/cổ phiếu ngày 4/1/2021. Tương tự, cổ phiếu AGG của Bất động sản An Gia cũng tăng gần 66%, từ mức 29.100 đồng/cổ phiếu ngày 4/1/2021 lên mức 48.300 đồng/cổ phiếu ngày 22/10/2021.
Đánh giá về công tác tạo lập quỹ đất cũng như sức hấp dẫn của các cổ phiếu doanh nghiệp mạnh tay với hoạt động này, đại diện JLL Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh đất đai ngày một khan hiếm, dự báo cuộc đua thâu tóm quỹ đất của các nhà phát triển bất động sản sẽ rất khốc liệt và điều này sẽ làm thay đổi diện mạo thị trường nhà ở trong 5 năm tới.
Liên quan tới cổ phiếu bất động sản, theo đại diện JLL Việt Nam, sức hấp dẫn của cổ phiếu có quỹ đất lớn ngoài việc được phản ánh lên thị giá so với bình diện chung toàn thị trường, thì còn kéo theo dòng vốn đầu tư mạnh mẽ từ khối ngoại. Đơn cử, Dragon Capital đã mua lại khoảng 10% cổ phần của Bất động sản An Gia, hay Nam Long Group đã phát hành thành công cổ phần cho nhiều quỹ đầu tư tên tuổi như Dragon Capital, Pyn Elite Fund, Kim Investment Fund...