UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất với ý kiến của UBND tỉnh Long An về việc nên thực hiện triển khai đầu tư xây dựng đường Vành đai 3- TP.HCM theo hình thức đầu tư công sử dụng nguồn vốn ngân sách. Sau khi hoàn thành xây dựng, nhà nước sẽ thực hiện thu phí để hoàn vốn đầu tư.
Sơ đồ hướng tuyến đường Vành đai 3, 4 TP.HCM
Đó là đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai trong cuộc họp trực tuyến mới đây giữa lãnh đạo Bộ KH – ĐT và UBND 4 địa phương TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An về phương án triển khai xây dựng dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.
Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, tỉnh này chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19 nên ngân sách địa phương chi cho công tác phòng chống dịch cũng rất lớn nên rất khó để bố trí nguồn vốn thực hiện dự án trong giai đoạn 2021-2025. Do đó, Đồng Nai cũng kiến nghị các cơ quan chức năng tính toán đưa hợp phần 1.2 của dự án gồm: giải phóng mặt bằng, xây dựng đường song hành, tuyến nối vào KCN Ông Kèo, các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đoạn qua địa bàn tỉnh vào tổng chi phí đầu tư của dự án nếu triển khai theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP).
Tuyến đường Vành đai 3 là dự án giao thông quan trọng giúp kết nối các đầu mối giao thông huyết mạch trong khu vực như cao tốc TP.HCM – Trung Lương, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, quốc lộ 1 và 22.
Dự án có tổng chiều dài là 89,3km (trong đó đoạn qua TP HCM là 47,62km, Bình Dương 25,93km, Đồng Nai 11,3km, Long An là 6,81km). Các tuyến nối có tổng chiều dài 8,3km (nhánh nối vào nút giao Thủ Đức, TP HCM dài 5,88km và nhánh nối vào KCN Ông Kèo, tỉnh Đồng Nai dài 2,42km).
Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 93.000 tỉ đồng (chưa gồm lãi vay), đến giai đoạn hoàn thiện (bao gồm tuyến kết nối với nút giao Thủ Đức bà tuyến nối vào KCN Ông Kèo) là 165.256 tỉ đồng.
Dù được quy hoạch xây dựng từ hơn 10 năm trước nhưng đến nay dự án chỉ mới hoàn thành được một phần nhỏ. Cụ thể, chỉ có đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn dài 16km là hoàn thành đưa vào sử dụng, các đoạn còn lại chưa thể khởi công do nhiều vướng mắc, trong đó có giải phóng mặt bằng.