Thâu tóm dự án bất động sản sôi động trở lại

9 tháng đầu năm ghi nhận hơn chục thương vụ mua bán, sáp nhập dự án bất động sản với giá trị giao dịch từ vài triệu tới hàng trăm triệu USD.
Từ đầu năm đến nay khoảng 11 thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) bất động sản được giao dịch thành công. Trong đó, tổng giá trị 9 trên 11 thương vụ đạt hơn 1,8 tỷ USD, tập trung ở phân khúc nhà ở, bất động sản công nghiệp và logistics.
Đầu tháng 10, Keppel Land (Singapore) cho biết sẽ bán 70% vốn tại Công ty TNHH Saigon Sports City, đơn vị nắm quyền phát triển dự án 64 ha tại TP HCM - một trong những khu phức hợp lớn nhất đầu tàu kinh tế. Bên mua là hai doanh nghiệp Việt (Công ty TNHH HTV Đại Phước và Đầu tư Bất động sản Vinobly), giá trị thương vụ dự kiến trên 7.400 tỷ đồng.
Hai tháng trước, Tập đoàn KIDO cũng hoàn tất việc mua 75% cổ phần Công ty cổ phần Hùng Vương, đơn vị quản lý và vận hành trung tâm thương mại Hùng Vương Plaza.
Ở phân khúc nhà ở, hồi tháng 6, Tập đoàn Kim Oanh Group hợp tác với 3 đối tác Nhật cùng triển khai dự án khu đô thị Một thế giới (The One World) gần 50 ha, vốn đầu tư hơn một tỷ USD. Trong đó, 3 công ty Nhật giữ 49% vốn đầu tư của dự án, còn Kim Oanh Group nắm 51% cổ phần.
Với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn, tháng 8, Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai hoàn tất chuyển nhượng khách sạn ở Pleiku cho Tập đoàn Mường Thanh. Đây từng là khách sạn do Công ty Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức sở hữu. Khách sạn này nằm ở trung tâm TP Pleiku, hoạt động từ cuối năm 2005. Giá trị thương vụ này hiện chưa được tiết lộ.
Trước đó, hồi đầu năm, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest cũng chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Công ty Hùng Sơn cho Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Hưng Phú, giá trị gần 1 triệu USD. Công ty Hùng Sơn là chủ đầu tư dự án Tổ hợp đô thị biển và du lịch nghỉ dưỡng Vlasta - Sầm Sơn với quy mô hơn 25 ha, thuộc địa bàn TP Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá xu hướng chuyển đổi chiến lược từ mua đứt, bán đoạn sang "góp gạo thổi cơm chung" đang nở rộ. "Giá trị bình quân các thương vụ thành công trong 9 tháng đạt mức cao nhất 6 năm trở lại đây và gấp đôi năm ngoái", VARS cho biết.
 

Bất động sản khu Đông TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam, nhìn nhận trong bối cảnh thị trường bất động sản dần phục hồi, các chủ đầu tư, nhà phát triển địa ốc đều muốn lấy đà để bước vào chu kỳ phát triển 10 năm tiếp theo. Do đó họ tích cực lên kế hoạch mở rộng đầu tư, gia tăng "miếng bánh" thị phần tại Việt Nam.
Ông nói, trước đây nhà đầu tư chỉ quan tâm và yêu cầu dự án phải hoàn tất thủ tục pháp lý và có giấy phép xây dựng. Hiện tại khi ba luật mới liên quan bất động sản (Luật Đất đai 2024, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản 2023) dần tháo gỡ về pháp lý, họ có xu hướng giảm bớt kỳ vọng và "nới lỏng" yêu cầu, chủ yếu tập trung đến quy hoạch 1/500, uy tín chủ đầu tư và tiềm năng dự án.
Theo chuyên gia, tùy thuộc vào năng lực và hiệu quả hoạt động của dự án, các chủ đầu tư có xu hướng "dự trữ" (không hoặc chưa muốn bán) hay sẵn lòng thương lượng, tìm cơ hội hợp tác thông qua M&A. Bên mua vẫn là nhóm nhà đầu tư khu vực Bắc Á, vốn quen thuộc với thị trường Việt Nam, như Singapore, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản.
Còn theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), sức khỏe tài chính của một số doanh nghiệp bất động sản còn yếu và chưa tiếp cận được vốn, trong khi chi phí phát triển dự án ngày càng tăng. Vì vậy, việc bán dự án cho các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính, năng lực sẽ giúp họ duy trì hoạt động. Đơn vị này cho rằng M&A các dự án bất động sản là một phần quan trọng với thị trường ở nửa cuối năm nay.
Thời gian tới, các chuyên gia dự báo nhu cầu mua bán sáp nhập vẫn tập trung ở phân khúc nhà ở, bất động sản công nghiệp và logistics. Hoạt động này sẽ sôi động hơn với trợ lực từ hành lang pháp lý và động lực từ các dự án hạ tầng lớn (như cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành) cùng các khu công nghiệp mới.
Hãng dịch vụ bất động sản Cushman & Wakefield cho biết giai đoạn 2024-2026 có thể ghi nhận một nguồn vốn lớn từ khối ngoại đổ vào thị trường địa ốc. Mục tiêu đầu tư vẫn nằm ở việc tìm kiếm quỹ đất sạch, chất lượng tốt, pháp lý hoàn chỉnh và có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên thủ tục hành chính, pháp lý và khan hiếm quỹ đất vẫn là rào cản lớn với nhà đầu tư ngoại khi tìm đến Việt Nam.