Kế Hoạch Xây Dựng 1 Triệu Căn Hộ Giá Rẻ Tại TP Hồ Chí Minh

Kế hoạch xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho người lao động đang được TP.HCM đề ra có ý nghĩa vô cùng thiết thực với lực lượng lao động đã và đang có nhiều đóng góp cho sự hưng thịnh của thành phố. Tuy nhiên, để kế hoạch này có thể đi tới đích, đạt hiệu quả cao nhất TP.HCM cần sớm giải quyết nhiều vẫn đề như quỹ đất, thời gian thực hiện.

Sau những đợt ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid – 19, làn sóng “bỏ phố về quê” của những người lao động thu nhập thấp tăng cao. Họ phải chấp nhận rời xa nơi đã gắn bó nhiều năm bởi không còn công việc, thu nhập teo tóp nhưng quan trọng hơn là không có một không gian sống đảm bảo, thiếu hụt tiện ích. Một bộ phận rất lớn người lao động đang ở trong những phòng trọ bí bách, thiếu vệ sinh…

TP.HCM cần làm gì để kế hoạch xây 1 triệu căn nhà giá rẻ không trở nên xa vời?
 

 

Dự án nhà ở công nhân 1.000 căn hộ ở TP. Thủ Đức

Kế hoạch xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ của TP.HCM xuất phát từ đó. Đây là một chương trình ý nghĩa vừa tạo lập cho những người thu nhập thấp có cơ hội tìm kiếm một chốn an cư trong bối cảnh giá nhá đang gấp hàng chục lần thu nhập của họ, vừa thể hiện sự tri ân của thành phố với những đóng góp không nhỏ của lực lượng này giúp làm nên hình hài của trung tâm kinh tế sôi động nhất cả nước.

Dự án nhà ở giá rẻ cho công nhân đầu tiên cũng mới được khởi công tại TP. Thủ Đức có quy mô 1.000 căn hộ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia từ kế hoạch đi đến thực tiễn là cả một quá trình đòi hỏi sự chung tay của nhiều nguồn lực xã hội.

Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, phân tích ở góc độ thực tiễn có hai yếu tố sẽ ảnh hưởng đến sự thành công của kế hoạch phát triển một triệu ngôi nhà giá rẻ dành cho người lao động, đó là quỹ đất và thời gian thực hiện.

Về quỹ đất nếu để doanh nghiệp “tự bơi” thì sẽ rất khó vì giá đất đã cao và tốn nhiều thời gian cho thủ tục. Thay vào đó, chính quyền thành phố có quỹ đất sẵn giao cho các doanh nghiệp thực hiện sẽ hiệu quả hơn.

Về vị trí ông Khương cho rằng, quỹ đất ở các quận trung tâm hiện nay không còn, do đó một là thành phố dùng quỹ đất đã dự trù trước đó ở khu vực này hoặc tìm những nơi xa hơn ở các quận huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi…

Tuy nhiên, để phát triển dự án ở những khu vực xa trung tâm thì cần đảm bảo được những yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật (đường xá, giao thông…) và hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, cơ sở chăm sóc y tế…). Khoảng cách đi lại giữa nơi làm việc và nơi sinh sống cũng là điều cần phải tính toán, nhằm đảm bảo đời sống an sinh, đi lại, công việc của người dân.

TP.HCM cần làm gì để kế hoạch xây 1 triệu căn nhà giá rẻ không trở nên xa vời?

Tái định cư Vĩnh Lộc B hoang vắng sau khi hoàn thành

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) là một trong những bài học về việc phát triển nhà ở tại các khu vực ngoại thành mà bỏ quên hai yếu tố trên. Có diện tích 30ha với quy mô hàng chục nghìn căn hộ nhưng khu tái định cư này vẫn rất vắng lặng kể từ khi hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2012.

Bên cạnh chất lượng dự án có “vấn đề”, thiếu hụt tiện ích thì khoảng cách quá xa với trung tâm thành phố khiến cho người dân không dám về ở. Thậm chí, có những người đã dọn về đây sinh sống nhưng chỉ thời gian ngắn đã buộc quay lại trung tâm thuê trọ để dễ kiếm việc làm.

“Nhiều người làm công việc bán cá, bán rau, chạy xe ôm, bốc vác….nhưng ở đây thì không thể làm những việc đó nên phải về trung tâm thôi”, một người dân khu tái định cư nói.

Yếu tố thứ hai ảnh hưởng đến kế hoạch 1 triệu căn nhà giá rẻ là thời gian thực hiện với trọng tâm là các vấn đề pháp lý. Ông Khương cho rằng việc cấp phép, phê duyệt cần phải thần tốc thì mới giải quyết được bài toán trong 2022 đạt được chỉ tiêu một triệu căn hộ.

Về phương diện tài chính đối với các chủ đầu tư nhà ở, theo ông Khương khi dự án được phê duyệt nhanh chóng, có quỹ đất giá rẻ và biên độ lợi nhuận của họ từ 7-10% thì nhiều doanh nghiệp sẽ sẵn sàng làm, có nhiều chủ đầu tư dù lợi nhuận thấp hơn họ vẫn làm vì sự tâm huyết muốn đóng góp cho xã hội.

Về phía người mua, nên tạo điều kiện để họ có thể mua nhà trả góp trong vòng 30 năm hoặc 50 năm. Tâm lý có một chốn an cư của riêng mình đúng nghĩa sẽ giúp người lao động có động lực hơn gắn bó với thành phố.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng, có nhiều doanh nghiệp tâm huyết xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động nhưng khi triển khai thì vướng đủ thứ, trong đó thủ tục quá rườm rà khiến thời gian từ khi xin giấy phép xây dựng đến khi triển khai mất đến 3 năm. Do đó, việc doanh nghiệp không mấy mặn mà với nhà ở xã hội là điều dễ hiểu.

Ông Nghĩa dẫn chứng, doanh nghiệp của ông đã xây dựng khoảng 7.000 căn hộ để phục vụ phân khúc khách hàng có thu nhập thấp và sản phẩm làm ra không đủ để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, khi triển khai một số dự án không sử dụng đất công, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước nhưng vẫn bắt buộc kiểm toán.