Nhánh hầm thứ hai qua nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, cầu Phước Long và dự án mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý sắp hoàn thành giúp khơi thông cửa ngõ thành phố.
Đây là ba dự án lớn được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư) lên kế hoạch thi công hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2025, cùng nhiều hạng mục, gói thầu ở các dự án lớn khác.
Trong đó, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, được kỳ vọng giảm ùn tắc sau khi nhánh hầm HC1, hướng Bình Chánh về Tân Thuận thông xe trước Tết. Đây là một trong hai nhánh thuộc dự án xây hầm chui qua nút giao, tổng mức đầu tư 830 tỷ đồng (giai đoạn một). Trước đó, hồi tháng 10, nhánh hầm HC1 theo hướng ngược lại đã hoàn thành, nhưng nút giao vẫn bị rào chắn để thi công nhánh còn lại khiến ùn tắc vẫn diễn ra.
Theo chủ đầu tư, nhánh HC1 hiện đã thi công xong kết cấu các đốt hầm hở và đoạn kín. Các hạng mục đường tạm cùng di dời hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, viễn thông...) cũng cơ bản hoàn thành giúp đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến, nhánh hầm này cùng các hạng mục còn lại của dự án sẽ hoàn thành cuối tháng 12.
Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ là một trong những nút giao lớn nhất Nam Sài Gòn, lưu lượng xe luôn dày đặc, nhất là ôtô trọng tải lớn nên thường xuyên ùn ứ. Năm 2020, dự án xây hầm chui tại nút giao được triển khai với quy mô hai hầm ở mỗi chiều đại lộ Nguyễn Văn Linh, mỗi hầm dài 456 m, 3 làn xe. Phía trên làm đảo tròn cùng các nhánh rẽ.
Kế hoạch ban đầu, dự án hoàn thành năm 2022, nhưng quá trình triển khai gặp khó khăn do vướng di dời hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, việc thi công các đoạn hầm kín cũng phức tạp do phải xử lý giao cắt với Metro số 4 theo quy hoạch nên phải mất 4 năm mới hoàn thành.
Cũng ở phía Nam thành phố, dự án xây cầu Phước Long, nối quận 7 và Nhà Bè, vốn đầu tư 748 tỷ đồng dự kiến thông xe trước Tết sau nhiều năm trễ hẹn. Cầu nằm trên đường Phạm Hữu Lầu bắc qua rạch Phú Xuân, dài 359 m, rộng 10,5 m cùng đường dẫn hai đầu.
Trước đó, cầu Phước Long được lên kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2016-2019, kinh phí gần 400 tỷ đồng nhằm thay cầu cũ nhỏ hẹp, xuống cấp. Tuy nhiên, năm 2020 công trình mới khởi công, rồi tiếp tục tạm ngưng do vướng mặt bằng. Dự án chậm tiến độ dẫn đến tăng chi phí đền bù, phải điều chỉnh lại vào năm 2022, đồng thời lùi thời gian hoàn thành.
Đến nay, các hạng mục chính của cầu đã cơ bản hoàn thành. Khi thông xe vào cuối năm nay, công trình sẽ góp phần giảm ùn tắc và chỉnh trang đô thị cho khu vực.
Ở phía Tây Nam thành phố, dự án mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý, đoạn qua quận Bình Tân, cũng dự kiến hoàn thành toàn bộ trước dịp Tết năm nay. Đây là một trong tuyến huyết mạch kết nối các huyện Hóc Môn, quận Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình với sân bay Tân Sơn Nhất và nội đô thành phố.
Khởi công tháng 3/2023, công trình có tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó phần xây dựng khoảng 237 tỷ đồng, còn lại phục vụ chi trả đền bù, giải phóng mặt bằng. Đoạn nâng cấp gần hai km, từ đường Bình Long đến Mã Lò với quy mô mở rộng mặt đường từ 8-10 m lên 30 m, kết hợp xây dựng hệ thống thoát nước, chiếu sáng...
Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, cho biết toàn dự án hiện đạt khoảng 90%. Một số hạng mục vỉa hè, dải phân cách... đang khẩn trương hoàn thiện, dự kiến thông xe vào cuối tháng 12. Nối với đoạn đường này, dự án xây mới cầu Tân Kỳ Tân Quý cũng sắp hoàn thành, giúp giảm ùn tắc cửa ngõ Tây Nam thành phố, tăng kết nối sân bay Tân Sơn Nhất.
Ngoài phần mở rộng ở quận Bình Tân, đường Tân Kỳ Tân Quý đoạn từ Lê Trọng Tấn đến Cộng Hòa, thuộc địa bàn quận Tân Phú và Tân Bình, nhiều năm nay cũng thường xuyên ùn tắc. Đoạn này trước đây đã có dự án nâng cấp nhưng đã tạm ngưng, chủ yếu vướng mắc liên quan giải phóng mặt bằng.
Cùng với các công trình với, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho biết cuối năm nay dự kiến một loạt hạng mục, gói thầu ở dự án lớn khác cũng sẽ hoàn thành. Trong đó, nhiều công trình ở TP Thủ Đức, như: cầu Bà Dạt, Giồng Ông Tố 2 của nút giao An Phú; một đoạn đường Lương Định Của; nhánh cầu Tăng Long...
Hạ Giang