Nguồn cung nhà đất tăng trở lại
Báo cáo thị trường tháng 5/2020 của Batdongsan.com.vn cho thấy, sau một tháng dỡ bỏ giãn cách xã hội, nguồn cung và sức tiêu thụ BĐS trên toàn quốc đang dần cải thiện và tăng trưởng trở lại. Riêng trong tháng 5/2020, hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM có hơn 1.850 sản phẩm nhà đất đến từ 14 dự án lớn nhỏ chính thức chào bán ra thị trường. Trong đó 65% nguồn hàng đến từ loại hình căn hộ chung cư. Riêng TP.HCM ghi nhận 8 dự án mở bán trong đó có 2 dự án mới và 6 giai đoạn tiếp theo, cung cấp cho thị trường khoảng 1.100 căn hộ, gấp 5 lần so với nguồn cung tháng trước.
Dữ liệu big data của Batdongsan.com.vn cũng chỉ ra, tổng lượng tin đăng chào bán BĐS toàn quốc tăng 65% trong tháng 5/2020, nhu cầu tìm kiếm nhà đất tăng gần 20% so với giai đoạn giãn cách xã hội thời điểm tháng 3 trước đó. Trong đó lượng tin rao bán chung cư tăng 100%, loại hình nhà phố, biệt thự tái khởi động với số tin rao bán tăng thêm đến 31%. TP.HCM tiếp tục là thị trường có tốc độ phục hồi mạnh nhất, lượng sản phẩm rao bán tại thành phố tăng hơn 77% trong khi mức độ quan tâm đến BĐS phục hồi nhanh chóng với mức tăng gần 21% so với tháng 4 trước đó.
Xét về khu vực, khu Đông và Nam TP.HCM đang độc chiếm thị phần căn hộ với hơn 80% dự án chung cư mở bán mới tập trung ở địa bàn quận 2, quận 9, quận 7. Riêng loại hình biệt thự, nhà phố, nguồn cung mới phần lớn đều thuộc khu Tây TP.HCM, nổi bật là Levata City và Rolanno Star. Khu Đông chỉ có 1 dự án biệt thự nổi bật chào bán là Vạn Phúc City với nguồn hàng hạn chế. Các dự án mở bán ở khu Tây hầu hết có quy mô nhỏ với số lượng sản phẩm hạn chế, giá dao động từ 5-7 tỷ đồng/căn.
Nhìn chung, thị trường trong tháng 5/2020 đã có bước hồi phục đáng kể với một số dự án lớn khởi động bán hàng. Bên cạnh nguồn cung mới gia tăng, giá chào bán BĐS cũng có xu hướng ổn định hơn. Nếu xét theo cùng kỳ 2019, giá chung cư tại TP.HCM tăng thêm 7,6% nhưng tính riêng với tháng 4 vừa qua, giá lại giảm 0,4%, trung bình rơi vào khoảng 43,5 triệu/m2. Thị trường cũng chứng kiến nguồn cung nghiêng mạnh về dòng sản phẩm trung – cao cấp với 86% tổng nguồn cung mới.
Nhiều dự án đã bắt đầu tái khởi động sau thời gian dài đình trệ vì
giãn cách xã hội. Ảnh minh họa: Phương Uyên
Nhu cầu mua dần cải thiện
Không chỉ nguồn cung cải thiện, nguồn cầu BĐS cũng tăng cao. Theo số liệu từ DKRA Việt Nam, tại TP.HCM lượng tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 73%, tăng gấp 15 lần so với tháng 4 (chỉ có 55 căn bán ra thành công). Theo đơn vị này, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trong nước cùng với việc dỡ bỏ giãn cách xã hội, thị trường bắt đầu ghi nhận tín hiệu tái khởi động sau vài tháng bị kìm nén, bắt đầu từ việc bung hàng của các chủ đầu tư.
Riêng với phân khúc biệt thự, nhà phố, tình hình giao dịch sơ cấp vẫn khá ảm đạm trong khi hoạt động mua bán ở thị trường thứ cấp kém, chỉ tập trung chủ yếu ở những dự án đã bàn giao nhà, cơ sở hạ tầng thuận tiện. Nổi bật trong tháng là loạt dự án khu Đông - Nam như Valora Fuji, Valora Kikyo của Nam Long, Merita của Khang Điền, Villa Park của M.I.K Group.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Việt Nam cho biết, các chương trình khuyến mãi kích cầu hấp dẫn hỗ trợ mùa dịch đang phát huy tác dụng, giúp sức mua của thị trường căn hộ sơ cấp tăng trưởng tốt. Riêng thị trường căn hộ thứ cấp vẫn khá trầm lắng, thanh khoản thấp và chỉ tập trung ở những dự án pháp lý hoàn thiện hoặc đang trong giai đoạn bàn giao nhà. Nhu cầu mua BĐS chủ yếu đến từ người mua ở thực nên mức giá bán dưới 50 triệu/m2 được quan tâm nhiều hơn là các sản phẩm định vị hạng sang. Nhà đầu tư và người mua thực có xu hướng tập trung tìm mua sản phẩm đảm bảo tính ổn định và nguy cơ rủi ro thấp trong bối cảnh thị trường diễn biến phức tạp như hiện nay.
Nhận định thị trường trong tháng tới đây, ông Hoàng cho rằng, việc nới lỏng giãn cách xã hội đã khiến nhu cầu giao dịch BĐS tháng 5/2020 có bước cải thiện. Song, còn quá sớm để đưa ra dự báo táo bạo về kịch bản bứt phá trong thời gian tới khi ngưỡng thử thách tiếp theo sẽ là tháng 7 âm lịch đang cận kề. Thị trường nhà đất trong tháng 6/2020 được kỳ vọng sẽ tiếp nối đà hồi phục nhưng khó có sự đột phá mạnh.
Phương Uyên